NGHỆ AN ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG NGƯỜI LAO ĐỘNG CƯ TRÚ BẤT HỢP PHÁP TẠI HÀN QUỐC VỀ NƯỚC
Tin đăng ngày: 19/09/2023 - Xem: 377
Sáng ngày 17/9/2023, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Nghệ An phối hợp với UBND thị xã Cửa Lò tổ chức “Hội nghị tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng quy định năm 2023”.
Trong những năm qua, số lao động của tỉnh đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS ngày càng tăng, tính đến nay số lao động xuất cảnh theo chương trình EPS là 13.002 lao động, đứng thứ nhất cả nước về số lượng người đi làm việc tại Hàn Quốc Bình quân hàng năm có từ 600 – 1.000 người lao động của tỉnh được các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, nhận sang làm việc. Với mức tiền lương hấp dẫn từ 1.000 – 1.500 USD/người, góp phần vào việc giải quyết công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng và tăng nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh nhà.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS thay đổi chỗ làm việc, không về nước đúng thời hạn theo hợp đồng, ở lại Hàn Quốc làm việc và cư trú bất hợp pháp. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Tính đến hết tháng 6 năm 2023, tỷ lệ lao động BHP không về nước của tỉnh Nghệ An đang ở mức 24,41% (đứng thứ 5 sau 10 tỉnh, thành trong cả nước như: Bắc Giang: 27,06%; Bắc Ninh: 17,68%, Thanh Hóa: 19,07%, Hà Tĩnh: 37,95%, Hải Dương: 25,17%,...).
Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 30/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, trong thời gian qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 07 văn bản chỉ đạo và Sở trực tiếp ban hành 18 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã tuyên truyền, vận động lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc về nước đúng hạn.
Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội Nghệ An phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước đã tổ chức nhiều cuộc Hội nghị tuyên truyền về nội dung này.
Mặt khác, Sở cũng đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp như: giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghê An là đơn vị thực hiện chương trình thống kê các lao động Hàn Quốc (EPS), chưa xuất cảnh, đã xuất cảnh trên địa bàn toàn tỉnh; chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các Phòng lao động TB&XH các huyện, thành phố, thị xã, cùng với các phường, xã, thị trấn, mỗi năm tổ chức vài chục cuộc hướng nghiệp việc làm gắn liền với nội dung tuyên truyền vận động lao động tại các địa phương, đã hết hạn và sắp hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc về nước; Chỉ đạo chính quyền và các tổ chức đoàn thể cấp xã trực tiếp làm việc với các gia đình có người lao động cư trú BHP hoặc sắp hết hạn hợp đồng để gia đình có trách nhiệm động viên, thuyết phục con em đang làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn; Thông báo danh sách những lao động cư trú BHP hoặc sắp hết hạn hợp đồng trên đài truyền thanh của xã, phường, thị trấn để nhân dân biết và cùng phối hợp với gia đình của lao động để vận động con em họ tự giác về nước đúng hạn; Hướng dẫn UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn không xác nhận hồ sơ và các thủ tục, giấy tờ cần thiết của những lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc khi những lao động này có anh, em ruột thịt đang cư trú BHP tại Hàn Quốc; Cung cấp danh sách, địa chỉ người lao động đang cư trú bất hợp pháp, người lao động sắp hết hạn hợp đồng lao động theo chương trình EPS cho UBND các huyện, thị xã, thành phố để chỉ đạo, triển khai thực hiện...
Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các nội dung nêu trên, bước đầu đã có những kết quả nhất định, như: Từ năm 2012 đến tháng 8/2018 đã vận động được 4.479 người lao động về nước đúng hạn trong tổng số 7.266 lao động phải về nước (đạt 65,77%). Tháng 12/2022 đã vận động được hơn 372 người về nước đúng hạn (do dịch Covid 19 nên những năm 2019, 2020, 2021 lao động không thể về nước. Đến hết tháng 6/2023 toàn tỉnh Nghệ An hiện có 2.248 người lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trong đó có 03 địa phương đang bị tạm dừng tuyển chọn lao động theo chương trình EPS, cụ thể: Huyện Nghi Lộc (có 365 lao động BHP); Nam Đàn (có 228 lao động BHP); Thị xã Cửa Lò (có 212 lao động BHP).
Để công tác vận động lao động bất hợp tại Hàn Quốc về nước đạt hiệu quả tốt, trong thời gian tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp như: tuyên truyền, vận động 2.248 người lao động đang cư trú BHP về nước, nhất là các huyện, thị có số lao động đang làm việc và cư trú BHP từ 70 người trở lên đang bị phía Hàn Quốc tạm dừng tuyển chọn. Thông tin kịp thời cho người lao động về nước đúng thời hạn tham gia các kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính và hỗ trợ đối với những lao động mẫu mực làm thủ tục hồ sơ xuất cảnh trở lại Hàn Quốc làm việc. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách ưu tiên đối với lao động về nước đúng hạn như được tuyển dụng trở lại làm việc, được giới thiệu vào các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, được học nghề để lập nghiệp miễn phí,… Khuyến cáo bị bắt giam, trục xuất, bị cấm sang Hàn Quốc làm việc, bị xử phạt khi vi phạm, không tuân thủ các quy định khi sang Hàn Quốc làm việc. Chỉ đạo các ngành, địa phương căn cứ, chức năng nhiệm nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về xuất khẩu lao động. Đặc biệt tập trung thực hiện Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính Phủ, Quyết định 12/2020/QĐ-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc./.